Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Huế, một trong ba cửa ngõ quan trọng phát triển du lịch miền trung

Là một thành phố trực thuộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thành phố Huế đã và đang là trung tâm về nhiều mặt của miền Trung tây nguyên Việt Nam như văn hoá, chính trị, y tế, giáo dục, du lịch, khoa học...

Nhắc tới Huế, là nhắc tới dòng sông Hương thơ mộng, có cầu Trường tiền và những di sản để lại của triều đại phong kiến. Huế hay còn gọi là đất Thần Kinh hay xứ thơ, là một trong những thành phố được nhắc tới nhiều trong thơ văn và âm nhạc Việt Nam. Thành phố có bốn danh hiệu UNESCO ở Việt Nam. Huế là đô thị cấp quốc gia của Việt Nam và từng là kinh đô của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Cầu Trường Tiền xinh đẹp và thơ mộng, là một biểu tượng của xứ Huế
Theo dòng lịch sử, Thuận Hóa - Phú Xuân -Huế có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển khoảng gần 7 thế kỷ (tính từ năm 1306). Trong khoảng thời gian khá dài ấy Huế đã tích hợp được những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa Huế. Truyền thống ấy vừa mang tính đặc thù - bản địa của một vùng đất, không tách rời những đặc điểm chung của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam; trong tiến trình hình thành văn hóa Huế có sự tác động của văn hóa Đông Sơn do các lớp cư dân từ phía Bắc mang vào trước thế kỷ 2 và sau thế kỷ 13 hỗn dung với thành phần văn hóa Sa Huỳnhtạo nên nền văn hóa Việt – Chăm. Mặc khác trong quá trình phát triển, chuyển biến có ảnh hưởng của các luồng văn hóa khác các nước trong khu vực Đông Nam Á, 
Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây...

Làm nên sự khác biệt, chính là Văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện rất phong phú trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lề lối ứng xử, ăn - mặc - ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống...

Kinh thành Huế cổ kính và trường tồn với thời gian
Nói tới Huế, người ta cũng nghĩ ngay đến những món ăn đặc sắc, mang phong cách cung đình, vua chúa ngày xưa. Hiện nay, ở Huế còn lưu giữ trên 1000 món ăn nấu theo lối Huế, có cả những món ăn ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Bản thực đơn ngự thiện có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỷ mỷ, cầu kỳ. Các món ăn dân dã rất phổ biến trong quần chúng với bản thực đơn phong phú hàng trăm món được chế biến khéo léo, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất hơn lượng; nghệ thuật bày biện các món ăn đẹp mắt, nghệ thuật thưởng thức tinh tế.

Không chỉ có thế, Nghệ thuật tuồng được phát triển rất sớm từ thế kỷ 17, dưới thời chúa Nguyễn. Đến triều Nguyễn, tuồng được xem là quốc kịch và triều đình Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuồng phát triển. Trong Đại Nội Huế có nhà hát Duyệt Thị Đường, Tĩnh Quang Viện, Thông Minh Đường. Tại Khiêm Lăng, có Minh Khiêm Đường. Thời Minh Mạng đã thành lập Thanh Bình Thự làm nơi dạy diễn viên tuồng. Thời Minh Tự Đức đã thành lập Ban Hiệu Thư chuyên nhuận sắc, chỉnh lý, hiệu đính và sáng tác tuồng.

Mỹ thuật, mỹ nghệ ở Huế cũng rất phát triển, với các hoa văn, kiểu cách trang trí có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa. Bên cạnh đó là sự sáng tạo mang phong cách rất riêng của Huế được các nghệ nhân phát triển và gìn giữ bao đời nay. Nghệ thuật trang trí mỹ thuật Huế còn tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Chăm, đặc biệt là tiếp thu nghệ thuật trang trí Tây Phương.

Ngày nay khi nói đến Huế, người ta thường nhắc đến các lễ hội, Festival Huế. Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, đến nay Festival Huế tổ chức được 8 lần (2000, 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014). Đây là sự kiện văn hóa lớn có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân Huế. Là điều kiện quan trọng để xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam.


Nhìn chung thành phố Huế mang vẻ cổ kính của kinh thành xưa kia với văn hóa độc đáo riêng có. Khi đến với Huế, các du khách sẽ được trãi nghiệm cảm giác trầm mặc của không gian và con người nơi đây. Huế là một trong ba cửa ngõ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch miền trung Việt Nam, bên cạnh Đà Nẵng và Hội An. Chắc chắn trong tương lai Huế sẽ còn phát triển hơn nữa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có mà chẳng nơi nào có được như lời bài Hát “Huế tình yêu của tôi”.

Sưu tầm, tham khảo từ vi.wikipedia.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét